USAID là tổ chức thuộc Chính phủ Hoa Kỳ, nhiệm vụ của USAID là thực hiện và triển khai các chính sách và hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Những năm qua USAID đã triển khai nhiều dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thực hiện các dự án về kiểm soát đại dịch mới và các dự án liên quan đến vấn đề môi trường, giải quyết hậu quả chiến tranh. Đặc biệt, hiện nay USAID đang triển khai các hoạt động thực hiện sáng kiến của Tổng thống Obama về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Vì vậy, USAID mong muốn được hợp tác và triển khai các hoạt động về bảo vệ môi trường tại Thừa Thiên Huế nhằm giúp chính quyền và người dân ứng phó tốt với sự biển đổi của khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững.
Thừa Thiên Huế là nơi chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt của thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... gây thiêt nặng nề về tài sản và con người. Đặc biệt trong những thập niên gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xảy ra tại Thừa Thiên Huế với cường độ và tần suất bất thường, khó dự đoán càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống cộng đồng dân cư...
Ngày 9/11/2015, Lãnh đạo UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn Cơ quan hợp tác Hoa Kỳ (USAID) do ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng môi trường và Phát triển xã hội làm Trưởng đoàn đến trao đổi để hợp tác thực hiện các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng dự buổi làm việc có đại diện Sở Tài nguyên và môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lãnh đạo UBND tỉnh đã bày tỏ cảm ơn về những chương trình hợp tác, tài trợ của các cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong thời gian qua; đồng thời giới thiệu với đoàn tình hình kinh tế-xã hội và định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong các tỉnh có tính đa dạng sinh học tiêu biểu và quan trọng của Việt Nam, thời gian qua Thừa Thiên Huế đã hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu biểu như dự án hành lang xanh, dự án hành lang đa dạng sinh học do ADB tài trợ…Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với USAID để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin và cùng với USAID xây dựng khung chương trình hợp tác cụ thể nhằm sớm triển khai các hoạt động của USAID trong thời gian tới.
Ngày 10/11/2015 đoàn cũng đã đến làm việc với KBT Sao la Thừa Thiên Huế tại huyện A Lưới. Thành phần tham gia cuộc họp gồm có: Cơ quan viện trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID Hoa Kỳ, USAID Việt Nam), đại diện Sở Ngoại vụ, đại diện Chi cục Kiểm lâm và lãnh đạo KBT Sao la. Mục đích cuộc họp là tham gia trao đổi để xác định cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, hỗ trợ thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển sinh kế người dân địa phương.
Ông Lê Ngọc Tuấn (Giám đốc KBT Sao la) đã giới thiệu với đoàn về tiến trình thành lập KBT Sao la, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thực trạng nguồn nhân lực, các phân khu chức năng, thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, các mối đe dọa chính đến ĐDSH, kết quả thực hiện sau hơn 5 năm hoạt động và những khó khăn, thuận lợi, những đề xuất cho những năm tới…
Đoàn USAID cũng đã trao đổi thêm về tình hình biến đổi khí hậu ở địa phương liên quan đến công tác bảo tồn ĐDSH và cuộc sống, sản xuất của người dân địa phương, tìm hiểu về các hoạt động nghiên cứu ở KBT như nghiên cứu về loài Sao la, nghiên cứu song mây, các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân để giảm áp lực vào rừng… Đoàn cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH kết hợp với thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở một sinh cảnh quan trọng và xung yếu như KBT Sao la.
Cùng ngày đoàn cũng đã ghé thăm hiện trường rừng KBT Sao la và đặc biệt ấn tượng về khu rừng nhiệt đới điển hình ở dãy Trường Sơn đã được bảo vệ tốt để lưu giử nguồn gen của các loài động thực vật, trong đó có Sao la và các loài đặc hữu khác.