Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Năm 2018 Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Văn Phòng Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện việc chăm sóc Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn tại tỉnh Thừa Thiên Huế đạt một số kết quả như sau:

Tổng diện tích rừng trồng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 55,0 ha,  loài cây Keo lai, năm trồng 2016, có 34 hộ tham gia, trên địa bàn 06 xã, phường là Hồng Hạ, Hương Nguyên (huyện A Lưới), Hồng Tiến, Bình Thành, Bình Điền, Hương Hồ (thị xã Hương Trà).

Để triển khai thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng thâm canh gỗ lớn, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật các Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới và thị xã Hương Trà thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra công tác chăm sóc rừng 2 lần/năm của các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình, cụ thể:

- Chăm sóc lần 1: Thực hiện vào tháng 6, với biện pháp kỹ thuật là phát thực bì lấn át cây trồng, phát dây leo và tỉa cành mở tán phù hợp với mật độ cây trồng.

- Chăm sóc lần 2: Thực hiện vào tháng 11, với biện pháp kỹ thuật là xới đất quanh gốc với đường kính 0,8m; bón phân N,P, K với định mức 0,2 kg/gốc, tương đương 266kg/ha; chống đỡ các cây bị ngã do mưa, gió.

Qua theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện chăm sóc mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, cho thấy:

- Các hộ đã tiến hành chăm sóc kịp thời và bảo đảm kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới và thị xã Hương Trà và theo tài liệu hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.

- Cây Keo lai sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao bình quân 6,0 mét; Đường 1,3 bình quân 7 cm, tỉ lệ sống 95%; Giống Keo lai thuộc các dòng keo lai được công nhận (BV10, BV16, BV32) và có Giấy chứng nhận nguồn gốc giống lô cây con của Chi cục Kiểm lâm.

- Các hộ tham gia trồng rừng thâm canh gỗ lớn đã tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên trong năm.

- Phân bón được sử dụng để bón thúc đạt tiêu chuẩn; phân bổ kịp thời, đúng mùa vụ bón phân chăm sóc vào tháng 11/2018.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang  có chiều hướng phát triển thuận lợi do giống cây Keo lai sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống cao, phù hợp với định hướng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn của nông hộ và các đơn vị sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn đầu tư, để phát triển tốt,  mô hình rất cần được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ các cấp chính quyền và các đơn vị, tổ chức liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Các bài khác