Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp

1.1. Yêu cầu về các loại giống được phép sản xuất, kinh doanh

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống cây trồng lâm nghiệp chỉ được phép SXKD các loại giống có trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép SXKD do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-BNN ngày 15/3/2005, Quyết định số 26/2007/QĐ-BNN ngày 09/4/2007 và Thông tư số 15/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/3/2010 và các văn bản ban hành mới (nếu có).

1.2. Yêu cầu về công bố tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp chính

- Tổ chức, cá nhân SXKD giống cây trồng lâm nghiệp chính (gồm 20 loài do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 - sau đây gọi tắt là Thông tư 30) phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống do mình SXKD và không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).

- Tiêu chuẩn giống phải được công bố trên Website và niêm yết công khai tại cơ sở SXKD giống lâm nghiệp. Đối với những giống cây trồng lâm nghiệp chính chưa công bố TCVN, đề nghị cơ sở tiếp tục cập nhật và công bố tiêu chuẩn áp dụng do mình SXKD theo đúng quy định.

1.3. Yêu cầu đối với nguồn giống và vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính

- Đối với nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chính: Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được thiết kế và xây dựng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật quy định và không được thấp hơn TCVN (nếu có) và phải được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 8760-1:2017 - Giống cây lâm nghiệp - Vườn cây đầu dòng - Nhóm các loài Keo và Bạch đàn, đề nghị các cơ sở SXKD giống lâm nghiệp nghiên cứu áp dụng đúng quy định.

- Đối với lô hạt giống: Lô hạt giống phải thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng; chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống.

- Đối với cây giống trong bình mô: Cây giống trong bình mô phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô.

- Đối với lô cây giống: Cây giống phải được sản xuất từ cây trong bình mô hoặc vật liệu nhân giống thu hái từ nguồn giống đã công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống.

1.4. Yêu cầu về hồ sơ vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính

Hiện nay, thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống, lô cây con đã được bãi bỏ, do đó để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vật liệu giống, yêu cầu các cơ sở SXKD giống lâm nghiệp phải lưu giữ đầy đủ các hồ sơ sau:

- Đối với lô hạt giống: Bảng kê vật liệu giống (Mẫu số 07, Thông tư 30), bản chụp quyết định công nhận nguồn giống, phiếu xuất kho và hóa đơn bán hàng, trong đó ghi rõ khối lượng hạt giống và mã số của nguồn giống thu hái hạt giống.

- Đối với lô cây giống trong bình mô: Bảng kê vật liệu giống (Mẫu số 08, Thông tư 30), bản chụp quyết định công nhận giống hoặc hợp đồng mua giống; phiếu xuất kho và hóa đơn bán hàng, trong đó ghi rõ số lượng cây mầm mô và tên, mã số của giống sản xuất.

- Đối với lô cây giống: Bảng kê vật liệu giống (Mẫu số 09, Thông tư 30); các hồ sơ liên quan khác của nguồn gốc vật liệu nhân giống để sản xuất cây giống (hóa đơn tài chính, phiếu xuất kho, quyết định công nhận nguồn giống).

1.5. Trách nhiệm của cơ sở SXKD giống lâm nghiệp

- Cơ sở kinh doanh vật liệu giống có trách nhiệm giao cho khách hàng hồ sơ liên quan đến vật liệu giống khi xuất bán để sử dụng trong quá trình vận chuyển, lưu thông và sử dụng vật liệu giống.

- Cơ sở SXKD và sử dụng giống phải lưu giữ bảng kê vật liệu giống và hồ sơ liên quan chứng minh nguồn gốc vật liệu giống hợp pháp.

2. Đối với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố Huế

Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện một số nội dung sau:

- Chủ động hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chính trên địa bàn theo chuỗi hành trình từ khâu thu hái vật liệu, sản xuất giống đến lô cây con cho trồng rừng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định tại Thông tư 30;

- Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động SXKD giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Kiểm lâm (ví dụ: nguồn gốc sản phẩm lô giống, lô cây con không rõ ràng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh...) thì phối hợp với các cơ quan liên quan như Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thuế...tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây có năng suất, chất lượng cao theo hướng thân thiện với môi trường; tích cực vận động tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn, hướng đến cấp chứng chỉ rừng FSC nhằm nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng;

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân trên địa bàn sản xuất gieo ươm cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô, gieo ươm cây con bằng túi bầu thân thiện với môi trường với quy mô công nghiệp để hạ giá thành cây giống phục vụ trồng rừng;

- Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1889/QĐ-UBND ngày 25/8/2018 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2025, trong đó, ưu tiên rà soát, đầu tư phát triển hệ thống nguồn giống; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để tiếp nhận, chuyển giao giống mới và công nghệ nhân giống tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trồng rừng tại địa phương./.

 

 

Các bài khác